Ngành Hóa Chất Việt Nam đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển kinh
tế vì đây là ngành cung cấp đầu vào cho một số ngành công nghiệp thiết
yếu. Hiện nay Việt Nam đã phát triển đầy đủ các phân ngành của ngành
công nghiệp hóa chất bao gồm: phân bón và các hợp chất ni-tơ, xà phòng
và chất tẩy rửa, nhựa nguyên sinh và cao su tổng hợp, hóa chất cơ bản,
sơn và mực, thuốc trừ sâu, sợi nhân tạo và các loại sản phẩm hóa học
khác.
Tuy nhiên Ngành Hóa Chất Việt Nam chưa phát triển để đáp ứng được nhu
cầu ngày càng gia tăng trong nước. So sánh với Ngành Hóa Chất của các
nước khác, chỉ số tăng trưởng của ngành hóa chất Việt Nam thấp hơn tương
đối. Chỉ số sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất năm 2019 đình trệ ở
mức tăng 6,5%, tỉ lệ hàng tồn kho của ngành luôn tăng, năm 2019 tăng
21,3% so với cùng kỳ năm trước do chỉ số tiêu thụ tăng không nhiều. Sản
lượng ngành công nghiệp hóa chất được ước tính chỉ chiếm khoảng 10% tổng
sản lượng công nghiệp cả nước. Với mức tăng trưởng và tỉ trọng khiêm
tốn, Ngành Hóa Chất sẽ đối mặt với thách thức về nhu cầu đầu vào gia
tăng nhanh trung bình 9-10%/năm trong ngành nông nghiệp, dược phẩm,..
Để phục vụ nhu cầu trong nước, 70 – 80% lượng hóa chất được nhập khẩu từ
Trung Quốc. Theo Tổng cục Hải quan, tổng giá trị nhập khẩu của hóa chất
và các sản phẩm hóa chất năm 2019 đạt 8,71 tỷ USD, tăng 3,8% so với
cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, việc nhập khẩu hóa chất vào Việt Nam còn
gặp khó khăn, phụ thuộc vào độ nguy hiểm của hóa chất. Theo Nghị định
113/2017, có tổng cộng 1.156 loại hóa chất phải khai báo nhập khẩu bắt
buộc. Khối lượng hóa chất xuất khẩu ở mức thấp so với trung bình thế
giới, thị trường chủ yếu là các quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ,
Philipines.
Hiện tại, Ngành Hóa Chất Việt Nam chịu sự kiểm soát của sáu cơ quan nhà
nước bao gồm: Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ
Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ quốc
phòng và Ủy Ban nhân dân. Các doanh nghiệp trong ngành hầu hết là các
doanh nghiệp vừa và nhỏ, chịu sự cạnh tranh gay gắt của các tập đoàn đa
quốc gia với tiềm lực tài chính lớn như BASF và Dow Chemical. Các công
ty tư nhân và công ty thuộc sở hữu nhà nước không tham gia đầu tư vào
ngành hóa chất do nguồn vốn không đủ lớn. Tập đoàn hóa chất Việt Nam
(Vinachem) là một trong các doanh nghiệp Việt Nam nổi bật trong ngành.
Năm 2019, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tập đoàn đạt 43.466 tỷ
VNĐ, doanh thu đạt 45.323 tỷ đồng. Tuy nhiên tập đoàn có bốn đại dự án
thuộc diện chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương, khiến cho
Vinachem lỗ 279 tỷ đồng năm 2019.
Trên thế giới Ngành Hóa chất là ngành lớn thứ 5 trong lĩnh vực sản xuất
về mặt đóng góp trực tiếp hàng năm vào GDP, chiếm 8,3% tổng giá trị kinh
tế của ngành sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên tại một số nước phát triển
như Trung Quốc và Nhật Bản, các quy định khắt khe về môi trường đang tác
động đến tốc độ mở rộng của ngành, khiến các doanh nghiệp đang tìm
hướng dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia tiềm năng khác trong đó có
Việt Nam. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ
kỹ thuật số để tăng lợi nhuận và cải thiện quản lý chuỗi cung ứng, đồng
thời cũng là thách thức đối với cơ quan chính quyền khi phải tăng cường
giám sát các dự án FDI có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Bên cạnh
đó, việc tăng cường thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EU qua
hiệp định EVFTA cũng sẽ tạo áp lực lớn lên ngành hóa chất Việt Nam với
năng lực sản xuất chưa phát triển như hiện nay.
Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020
Tóm tắt ngành Hóa chất cơ bản Việt Nam
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét