Thứ Tư, 15 tháng 5, 2019

Từ câu chuyện nâng hạng thị trường và thoái vốn nhà nước đến làn sóng UPCOM

Từ câu chuyện nâng hạng thị trường và thoái vốn nhà nước đến làn sóng UPCOM
Đăng lại từ Investing ngày 15/02/2019

Sau bài viết “Năm 2019, thách thức lớn, cơ hội lớn” vào ngày 11/01/2019.
Có thể thấy, sau hơn một tuần hồi phục, thị trường bắt đầu đi ngang trong biên độ hẹp và tâm lý bi quan dần nhen nhóm. Tuy nhiên vẫn quan điểm cho rằng năm 2019, chúng ta cần thận trọng nhưng không cần quá bi quan vì mọi thứ đáng kỳ vọng vẫn còn đang ở phía trước. Như một câu chuyện mang tính chất tương đối, chúng ta có rủi ro của một thị trường nhỏ nhưng vì nhỏ, chúng ta cũng có nhiều cơ hội và nhiều triển vọng để lớn hơn.

Ở bài trước, khi tôi liệt kê một số ngành có câu chuyện riêng để kỳ vọng cũng như tận dụng tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn, tôi đã bỏ sót một câu chuyện mà có lẽ về cơ bản sẽ tác động khá lớn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ trong ngắn hạn 1-2 năm mà có thể còn xa hơn.

I. Câu chuyện về thị trường mới nổi:
1. Nâng hạng theo FTSE Russell:
Việt Nam đã chính thức được FTSE Russell đưa vào theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp cùng với Argentina, Tazania vào tháng 9/2018. Chúng ta đạt 10/21 tiêu chí chất lượng của một thị trường mới nổi thứ cấp.
Dù không quá lạc quan vì chúng ta có tới 3 tiêu chí chưa đạt và 8 tiêu chí giới hạn trong số 21 tiêu chí chúng ta vẫn có quyền kỳ vọng vào tháng 09/2020 Việt Nam sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE sau 1-2 năm nằm trong danh sách theo dõi của FTSE Russell. Với FTSE thì bộ chỉ số này chia nhóm thị trường thành thị trường mới nổi sơ cấp và thị trường mới nổi phát triển cao và do vậy số lượng thị trường mới nổi lớn hơn và cũng linh hoạt hơn so với MSCI.

2. Nâng hạng theo MSCI Emeging Market:
Không nhiều triển vọng như nâng hạng theo FTSE Russell, về các tiêu chí định tính của MSCI về khả năng tham kha thị trường, tới thời điểm hiện tại chúng ta chỉ đạt được 5 tiêu chí và có đến 9 tiêu chí cần cải thiện. Đó là chưa tính đến việc để được vào danh mục theo dõi của MSCI thì khả năng chúng ta có thể phải đợi khá lâu, ít nhất là 3-4 năm nữa.
Như một câu chuyện của một nửa cốc nước, chúng ta có thể nhìn nhận trên quan điểm đó là một cốc nước chỉ vơi còn một nửa hay chỉ “mới đầy một nửa”. Thực tế, thị trường đã, đang và vẫn sẽ vận động trên sự kỳ vọng.

3. Việc nâng hạng thị trường sẽ ảnh hưởng như thế nào với thị trường Việt Nam?
Đối với việc FTSE Russell thêm Việt Nam vào nhóm thị trường mới nổi sơ cấp, thì chúng ta sẽ thu hút được dòng vốn thụ động rơi vào khoãng 4.200 tỷ đồng – 12.765 tỷ đồng theo ước tính của trung tâm nghiên cứu MBS.
Còn đối với MSCI EM, nếu được nâng hạng, chúng ta sẽ chiếm 0,3% rổ chỉ số này với giá trị khoãng 4,5 tỷ USD. Tuy nhiên, đây là một con số khá lớn tương ứng với mức 5-6% vốn hóa thị trường hiện tại và khả năng sẽ còn ít nhất 3-4 năm để Việt Nam có thể lọt vào rổ chỉ số này như đã đề cập ở trên.

II. Câu chuyện về thoái vốn nhà nước:
Năm 2017 tôi đã từng đề cập đến câu chuyện thoái vốn, tuy nhiên sang năm 2018 với việc nhà nước thoái thành công gần 120 ngàn tỷ đồng đến từ SAB và VNM thì sang năm 2018 áp lực từ thoái vốn đã giảm từ đó khiến việc tìm kiếm lợi nhuận từ câu chuyện thoái vốn nhà nước khó khăn hơn. Thực tế, năm 2018 nhà nước chỉ thoái được 13,4 ngàn tỷ từ VCG, BMP và tỉ lệ hoàn thành kế hoạch rất thấp.
Theo bảng thống kê tham khảo từ công ty chứng khoán Rồng Việt chúng ta có thể thấy sau năm 2017, giá trị thoái vốn của nhà nước đã giảm xuống khá mạnh. Điều này theo quan điểm cá nhân có thể xuất phát từ áp lực từ nợ công và thâm hụt ngân sách trong năm 2018 đã giảm xuống đáng kể so với năm 2017 khiến nhu cầu thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước không còn quá gấp gáp, thêm vào đó những thương vụ thoái vốn năm 2018 không chỉ bị hạn chế bởi Nghị định 32/2018/ND-CP mà còn vì những công ty này không thực sự quá hấp dẫn với nhà đầu tư khi yếu tố định giá khó khăn, diễn biến giá cũng như yếu tố minh bạch hạn chế trong bối cảnh thị trường rủi ro.
Trong năm 2019, tôi cho rằng áp lực từ thoái vốn nhà nước sẽ sớm trở lại. Chúng ta sẽ chú ý những Công ty có vốn hóa và vốn điều lệ lớn, có lợi thế đầu ngành v.v.

III. Từ câu chuyện nâng hạng thị trường và thoái vốn nhà nước đến làn sóng UPCOM:
Tôi lựa chọn hai câu chuyện trên để đề cập để nhà đầu tư thấy được một bức tranh tổng thể cũng như tìm kiếm cơ hội ở năm 2019 khi là năm bản lề để Việt Nam hoàn thiện khung pháp lý, phát triển thêm các sản phẩm để thúc đẩy vốn hóa thị trường. Thúc đẩy quá trình đó là quá trình IPO, chuyển sàn, thoái vốn - đây vừa là nhiệm vụ nhằm thúc đẩy tăng vốn hóa thị trường vừa là mục tiêu trong tương lai để chính phủ cân đối ngân sách.

Với lộ trình làm tăng vốn hóa thị trường, tôi đánh giá việc IPO mới trong năm 2019 với Mobifone hay VNPT là thương vụ rất đáng chú ý, tuy nhiên việc chuyển sàn nhiều doanh nghiệp lớn từ UpCOM sang HOSE có vẻ là câu chuyện dễ dàng và nhiều triển vọng hơn (chưa kể đề án sáo nhập hai sở giao dịch khi đẩy mạnh chuyển sàn và niêm yết mới trên HOSE để HNX chỉ còn thực hiện giao dịch với các trái phiếu và sản phẩm liên quan).

Nhìn tổng quan, trong danh mục thoái vốn năm 2019 nhiều cổ phiếu đang được niêm yết trên sàn UpCOM và để thực hiện việc thoái vốn, khả năng sẽ xảy ra một làn sóng chuyển sàn, từ đó làm tăng quy mô vốn cho HOSE kéo theo đó là sự dịch chuyển của dòng tiền cũng như sự quan tâm từ dòng tiền vào nhóm cổ phiếu này.

Cổ phiếu đáng quan tâm:
Xét về yếu tố câu chuyện riêng để kỳ vọng cũng như tận dụng tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn kèm với những đánh giá tổng quan về cơ bản như lợi thế ngành, thị phần, yếu tố tăng trưởng giá trị tài sản,… hay yếu tố kỹ thuật như thanh khoản, mặt bằng giá… Tôi xin phép được đưa ra khuyến nghị theo dõi với nhóm cổ phiếu như sau.
Vietnam Airlines JSC (HN:HVN) - Airports Corporation of Viet Nam (HN:ACV) - Vietnam National Petroleum Group (HM:PLX) - Vietnam National Textile and Garment Group (HN:VGT) - Vietnam Pharmaceutical Corp (HN:DVN) - Viglacera Corporation JSC (HN:VGC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét