Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2021

Bách Hóa Xanh hay một ví dụ điển hình giữa việc dung hòa giữa lợi ích doanh nghiệp và lợi ích xã hội

Câu chuyện BHX mùa dịch là một câu chuyện đang khá "hot". Đã có quá nhiều người nói về nó, nhưng chúng tôi chỉ xin nói về một góc nhỏ, nhỏ xíu thôi nhưng là vấn đề muôn thuở trong tương quan giữa doanh nghiệp và xã hội hay giữa nhà tư bản với phần còn lại của xã hội.


Nhân đây, tranh thủ ôn lại một câu của Karl Marx, thường được trích dẫn như một châm biếm về sự tối nghĩa: "Vậy là tư bản không thể xuất hiện từ lưu thông và cũng không thể xuất hiện ở bên ngoài lưu thông. Nó phải xuất hiện trong lưu thông và đồng thời không phải trong lưu thông."

Viêc này đề cập đến thặng dư của nhà tư bản.

Ở trường hợp trong lưu thông:

- Nếu hàng hoá được trao đổi ngang giá, BHX sẽ tính toán những chi phí bao gồm biến phí và định phí của mình và đưa ra giá bán ngang với mức... hòa vốn. Thì sau khi tính tiền tại quầy thu ngân, khách hàng có rau, BHX có tiền mỗi bên thỏa mãn nhu cầu sử dụng của mình, tổng giá trị trao đổi là cố định không thay đổi.

Vậy thì mua bán "không có lời, không có lỗ" là một hoạt động giao dich không tạo ra giá trị thặng dư.

- Trường hợp trao đổi không ngang giá, có 3 trường hợp xảy ra:

+ Trường hợp một, tất cả mọi người đều bán cao hơn giá trị: Thực tế, BHX không chỉ đơn thuần là người bán, họ còn là người đi mua, đi thuê mặt bằng, thuê nhân viên (những người bán sức lao động), mua cơ sở vật chất, tủ, kệ... Nếu nhân viên lương cao hơn, người cho thuê mặt bằng đòi giá đắt hơn, người bán rau củ quả bán giá vượt giá trị sử dụng thì việc BHX có bán vượt giá trị sử dụng hàng hóa bán ra của mình thì số lời khi họ kiếm từ khách hàng cũng sẽ biến mất khi họ đi mua từ người bán là đối tác bán rau quả hàng hóa, đối tác cho thuê mặt bằng, nhân viên... Ở đây cũng không hề có thặng dư.

+ Trường hợp thứ hai, nếu giả định mọi người đều mua hàng hóa thấp hơn giá trị. Trong trường hợp này cũng tương tự như trường hợp ở trên, do mua rẻ, thặng dư sẽ bị mất đi khi anh ta là người bán vì cũng phải bán thấp hơn giá trị thì khách hàng mới mua. Rút cục giá trị thặng dư vẫn không được sinh ra: từ hành vi mua rẻ.

+ Trường hợp thứ ba, nếu BHX có bán "lươn", tức là giả như mua được rẻ như giảm được chi phí mặt bằng, mua sản phẩm đầu vào rẻ hơn, giảm áp lực từ chi phí nhân công v.v. và bán được đắt hơn. Nếu xét riêng doanh nghiệp thì đây là điều rất tốt, cổ đông sẽ rất hài lòng và hẳn 100% cổ đông đang nắm giữ MWG đều rất tự hào vì lợi nhuận mình có được. Nhưng xét chung cả xã hội, nếu nói rằng lợi ích của nhà tư bản lại là thiệt hại của người tiêu dùng. BHX đã có thể đẩy chi phí từ người bán bao gồm cả chi phí từ rau củ quả đầu vào (mà chưa chắc đã tăng giá), chi phí từ các cửa hàng đóng cửa do gần chợ, chi phí trả lương nhân viên những người đang tạm ở nhà, chi phí mặt bằng... toàn bộ cho khách hàng gánh chịu với lợi thế độc quyền phân phối hàng mùa dịch.

Ở trường hợp ngoài lưu thông

Như vậy lưu thông đã không đẻ ra giá trị thặng dư. Vậy phải chăng giá trị thặng dư có thể đẻ ra ở ngoài lưu thông?

- Ở ngoài lưu thông chúng ta xem xét hai trường hợp:

+ Ở ngoài lưu thông, nếu người nông dân đứng với luống rau của mình thì anh ta không có giá trị thặng dư được, BHX nếu đứng kế quầy rau nhưng nhà nước không cho bán mùa dịch thì thì giá trị của những hàng hóa ấy không hề tăng lên một chút nào. May sao, BHX là một trong số ít các doanh nghiệp được phân phối hàng hóa thiết yếu mùa dịch.

+ Ở ngoài lưu thông, BHX có tự sáng tạo thêm giá trị mới cho hàng hóa của mình bằng khả năng của mình được không? Được, bằng trải nghiệm từ không gian mua sắm, từ thái độ, từ tinh thần vì cộng đồng, vì bà con, chung tay góp sức chống dịch như cách những nhà bán lẻ như Big.C, Co.op, Pharmacity (sự kiện bán khẩu trang bình ổn giá) v.v. Từ đây, giá trị thương hiệu được hình thành.

Vậy là, Marx đúng khi cho rằng tư bản phải xuất hiện đồng thời trong và ngoài lưu thông với các giá trị sáng tạo thêm cho hàng hóa từ người sản xuất.

Ở trường hợp cuối cùng Tư bản xuất hiện bên ngoài lưu thông từ giá trị sáng tạo của doanh nghiệp và khi đưa vào lưu thông, giá trị đó tạo ra thặng dư tư bản cho cả doanh nghiệp và xã hội. Như BHX đã có cơ hội tham gia lưu thông mùa dịch nhưng lại không tạo ra được thặng dư cho xã hội vì không tạo ra giá trị mới cho hàng hóa. Ở đây, lợi ích giữ doanh nghiệp và cộng đồng chỉ có môt bên hưởng lợi.

======

Tất nhiên, BHX chẳng làm gì sai cả khi họ nâng giá bán lẻ tại Tp. HCM, họ phải chu toàn những biến phí và định phí, dù biến phí có giảm thì vẫn phải bán giá cao. Nếu có trách chỉ trách tầm nhìn họ quá ngắn, nếu chỉ đơn thuần dùng tư duy lãi - lỗ thời bình cho thời đại dịch thì sẽ không còn phù hợp. Việc kiếm tiền trên khó khăn của cộng đồng thì về lâu dài, khi sức ép về kinh tế đè nặng lên vai người dân thì mỏ vàng đó sẽ không còn nữa khi nhiều thành phần bắt đầu rời bỏ thị trường (sinh viên về quê, công nhân rời thành phố, người dân siết chặt chi tiêu v.v.), đến lúc đó mọi thứ đã quá muộn. Miếng bánh không còn thì con số thị phần liệu có còn ý nghĩa?

Nhưng dẫu sao, vẫn chúc chúc mừng cổ đông MWG, vì đây vẫn là tin tốt cho họ khi BCTC sắp tới được kỳ vọng có nhiều đột biến.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Phạm Đình Khoa - Chuyên viên chăm sóc khách hàng cá nhân cao cấp tại Công ty cổ phần Chứng khoán MB.