Thứ Tư, 12 tháng 2, 2025

Cái giá của một nền kinh tế vì lợi ích thiểu số

Nếu xét một nền kinh tế hoạt động tốt, sẽ phải là một nền kinh tế mà lợi ích của nó sẽ thúc đẩy nâng cao mức sống cho hầu hết công dân của mình. Dấu hiệu của một nền kinh tế lệch lạc là tăng trưởng thấp, các khoản thu nhập đình trệ trong khi bất bình đẳng gia tăng. Theo Joseph E. Stiglitz -  giải Nobel Kinh tế năm 2001, bất bình đẳng thể hiện rõ ràng nhất ở việc "thiếu cơ hội" và dẫn đến kết quả cuối cùng là giảm hiệu suất lâu dài của nền kinh tế.  
 
USS Inequality, an OtherWords cartoon by Khalil Bendib

Hai trụ cột chính thích đẩy tăng trưởng Quốc gia hay cá nhân là: Tạo ra nhiều của cải hơn, Tước đoạt nhiều của cải hơn. Các nước tư bản từng chọn con đường thứ hai và tạo nên các đế chế thực dân trong những thế kỷ trước. Ở quy mô nội bộ của từng Quốc gia, nó là vấn nạn tham nhũng và bóc lột nhân công. Ngoài ra, trong những cách tạo ra của cải, con đường thừa kế có thể coi là một vận may lớn mà nếu bạn chẳng may có năng lực tạo ra của cải ở mức thấp thì cũng không sao, bạn đã có sẵn. Vậy vấn đề ở đây là gì? 

Thiếu cơ hội! Những người có khoản thừa kế tốt có nhiều cơ hội hơn. Điều này tồn tại lâu dài trong các xã hội tư bản và hướng các xã hội này đến chỗ đình trệ và khủng hoảng do sự lãng phí nguồn lực và đánh mất nguồn vốn xã hội quan trọng: tài năng và sức trẻ của công dân. Nhiều người sẽ cho rằng đó là một luận điểm đỗ lỗi cho xã hội nhưng thực tế càng ngày, thế hệ trẻ càng phụ thuộc nhiều hơn vào thu nhập và giáo dục của cha mẹ hơn. Chọn đúng cha mẹ, bạn thắng đời 1-0. Và 1-0 là một tỉ lệ chấp rất cao mà không phải ai cũng sẵn sàng nằm "kèo dưới". Vẫn sẽ có người từ đáy vươn lên đỉnh, nhưng đó là hiện tượng, những ngoại lệ chứ không phải là quy tắc phổ biến. Bằng chứng là báo chí và truyền thông luôn tập trung vào cá cá nhân này như thể đó là một mẫu số chung: Họ làm được, bạn cũng vậy! 

Tôi thấy nhiều người than phiền về thế hệ Gen Z, điều lặp lại ở những xã hội như Trung Quốc hay Hàn Quốc của hai thập kỷ về trước hay như xa hơn là hiện tượng Hippie của Mỹ thập niên 60. Một biểu hiện mang tính phản kháng với cấu trúc thị trường phục vụ thiểu số trên đỉnh. Tất cả dẫn đến tuyệt vọng gia tăng không ngừng ở các thế hệ kế tiếp trước khi bước vào kỷ nguyên của dân số già hóa. Điều này không thể trách thế hệ trẻ, thậm chí nó có một phần lỗi rất lớn từ các thế hệ đi trước: Người ta đã làm gì với ngành giáo dục? Nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ đã tạo ra những gì? Khả năng cạnh tranh của nền kinh tế khi giương cờ bước vào toàn cầu hóa? Nếu tôi nỗ lực, tôi cần phải thấy tương lai! Chúng ta đã không có tầm nhìn dài hạn để cho thế hệ trẻ thấy tương lai của họ. 

Chúng ta tiến vào thiên niên kỷ mới với nhiều hi vọng nhưng khi chạy theo thị trường chúng ta quên mất yếu tố "định hướng xã hội chủ nghĩa" và không có lấy một mảy may kinh nghiệm nào về sự đỗ vỡ của các xã hội tư bản trước đó cũng như ý thức một cách rõ ràng về cái gì tạo nên sự thành công của chủ nghỉa tư bản! Từ sau Covid-19, chúng ta cuối cùng cũng đi vào vết xe đổ: Tăng trưởng thấp hơn, bất bình đẳng nhiều hơn. 

Việt Nam chưa phải là một nước tiên tiến, nhưng nó đã có đầy đủ các yếu tố trên trước khi nó kịp giàu có về mặt của cải. Những ngày đầu năm, những lời kêu gọi hi sinh lạm phát để cứu tăng trưởng chỉ tập trung các vấn đề chính: Tín dụng ngân hàng và Thị trường Bất Động Sản. Phần tăng trưởng mà chỉ có thiểu số hưởng lợi. Hi sinh người nghèo để cứu lấy phần đỉnh của kim tự tháp. Trên chiếc tàu sắp chìm, những chiếc thuyền cứu sinh chất đầy những hành khách của khoang thương gia và bỏ mặc phần còn lại.
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét