Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2020

DGW phù hợp cho nhà đầu tư tăng trưởng

Digiworld (DGW) được thành lập năm 1997, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ (ICT). Năm 2017 DGW bước chân bào ngành Chăm sóc sức khỏe (Healthcare) và ngành Tiêu dùng Nhanh (FMCG). Trong những năm gần đây, DGW bắt đầu theo đuổi chiến lược “Dịch vụ phát triển thị trường” (MES) như một nỗ lực “chinh phục cuộc leo núi mà sẽ chẳng bao giờ dừng lại” như lời ông Đoàn Hồng Việt CEO của DGW từng chia sẻ.

Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp:

Về mảng FMCG và Healthcare, năm 2019 doanh thu mảng này tăng trưởng 231% nhờ hợp đồng đã ký với đối tác Nestlé. DGW hiện đang cho thấy tham vọng ở mảng này khi mở rộng mạng lưới phân phối hiện có và mở rộng sang nhiều sản phẩm trong tương lai bao gồm cả các loại thuốc không kê đơn. Tuy nhiên,  dù được kỳ vọng nhiều trong tương lai khi DGW đạt được nhiều hợp đồng phân phối độc quyền chúng tôi vẫn không đánh giá cao mảng này khi chỉ chiếm 3% doanh thu hiện tại của DGW. Tức là, còn quá sớm để có thể kỳ vọng về mảng FMCG và Healthcare này. Trong khi đó, mô hình MES “Market Expansion Service” lại không thực sự quá mới, và về cơ bản, DGW vẫn sẽ đóng vai  trò như nhà phân phối/nhà bán buôn đưa sản phẩm của nhà sản xuất đến nhà bán lẻ và người tiêu dùng tương tự như cách trước nay DGW trước nay vẫn làm. Chúng tôi cho rằng, động lực chính của DGW trong những năm tới vẫn chỉ xoay quanh ngành thiết bị công nghệ thông tin & truyền thông.

Máy tính xách tay và máy tính bảng, đây là nhóm mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn với 35% tổng doanh thu. Đáng chú ý, DGW có lợi thế khá lớn trong mảng này khi chiếm hơn 58% thị phần laptop với những nhãn hàng từ các đối tác truyền thống là Dell, HP, Lenovo, ASUS…

Ngoài ra, mảng điện thoại di động cũng tăng trưởng khá tốt với mức tăng trưởng 65.4% trong năm 2019 so với cùng kỳ 2018 và duy trì mức tăng trước 96% trong QI/2020 so với cùng kỳ QI/2019. Sự tích cực này có sự đóng góp không nhỏ từ Xiaomi khi DGW cung cấp dịch vụ phát triển thị trường độc quyền cho nhãn hàng này. Năm 2020 được dự báo là năm bùng nổ của smartphone có hỗ trợ 5G và số lượng smartphone có hỗ trợ 5G sẽ đạt doanh số 210 triệu chiếc trong năm 2020, gấp 10 lần so với 2019 và một nửa trong số đó sẽ được sản xuất ở Trung Quốc. Xiaomi từng được ví von là Apple của Trung Quốc có lợi thế rất lớn khi là nhãn hàng truyền thống cung cấp smartphone cấu hình cao với giá rẻ và tham vọng “phổ cập smartphone 5G trong tương lai”.

Đối với mảng thiết bị văn phòng, chúng tôi có cái nhìn  khá tích cực khi về dài hạn, ngành hàng này có tính chất ổn định cao và câu chuyện “chuyển đổi số” cũng là một câu chuyện đáng kỳ vọng khi từ năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông bắt đầu lấy ý kiến bề đề án “Chuyển đối số Quốc gia”. Có lẽ còn quá sớm để kỳ vọng tuy vậy đây là xu hướng chính trong dài hạn.

Trong khi đó, ngắn hạn hơn, một yếu tố may mắn bất ngờ: COVID đang thúc đẩy xu hướng chuyển đổi số này khi nhu cầu làm việc, học tập tại nhà, nhu cầu giao tiếp và giao dịch trực tuyến của cá nhân và doanh nghiệp tăng cao kèm theo đó là nhu cầu sử dụng các sản phẩm ICT được DGW phân phối. Năm 2020, DGW tiếp tục đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng ở mức cao, lần lượt là 10.200 tỷ đồng, tăng 20% và 202 tỷ đồng, tăng trưởng 25,5% so với thực hiện 2019 bất chấp dịch Covid-19. Chúng tôi cho rằng đây là một “tham vọng có cơ sở” và rất đáng kỳ vọng.

Rủi ro:

Mô hình MES “Market Expansion Service” như đã đề cập ở trên có nhược điểm là phụ thuộc vào nhà sản xuất. Trong trường hợp nhà sản xuất thay đổi chiến lược kinh doanh hoặc tìm được nhà phân phối khác cạnh tranh hơn sẽ gây khó khăn rất lớn lên DGW. (Trường hợp tương tự cũng từng xảy ra khi FPT Trading nay là Synnex FPT, mất quyền phân phối Iphone tại Việt Nam dẫn đến lợi nhuận của đơn vị này sụt giảm đáng kể trong năm 2016 hoặc như trường hợp DGW là việc chấm dứt hợp đồng với Nokia sau sự kiện Microsoft mua lại Nokia và thay đổi chiến lược kinh doanh năm 2015).

Rủi ro cạnh tranh từ các nhà bán lẻ trong ngành phân phối là hiện hữu trong khi rào cản gia nhập ngành cũng không thực sự cao. Có thể thấy, biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng của DGW là rất thấp, chỉ tương ứng lần lượt là 6,47% và 1,9% so với mặt bằng chung của ngành là 18,63% và 3,45%. Việc các công ty cùng ngành có thể thay đổi chính sách cạnh tranh có thể khiến DGW gặp áp lực.

Thị trường điện thoại di động mà đặc biệt là ở phân khúc phổ thông, tầm trung dù vẫn duy trì tăng trưởng tuy nhiên cạnh tranh khá khốc liệt và đang dần tiến đến điểm bảo hòa. Năm 2020 dưới tác động của dịch COVID-19 thị trường smarphone được dự báo sẽ có sự sụt giảm nhất định và sẽ phải đến năm 2021 mới quay lại tốc độ tăng trưởng như trước.

Nhiều nhà đầu tư đưa ra những kỳ vọng về việc DGW có cơ hội trở thành đơn vị nhập khẩu và phân phối Iphone của Apple. Tuy nhiên chúng tôi không đánh giá cao khả năng này khi hiện tại các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam có khá nhiều lựa chọn như nhập khẩu trực tiếp từ Apple Singapore hoặc Apple Việt Nam, đơn vị bán buôn thuộc Apple Operation International, đã được thành lập tại Việt Nam vào năm 2015. Trong khi đó, ở phân khúc điện thoại “thời thượng” hiện nay bị cạnh tranh khá mạnh bởi các mẫu flagship của Samsung và Huawei với nhiều tính năng vượt trội trong khi giá cả lại tốt hơn. Thực tế, lợi nhuận của Apple Việt Nam không lớn, biên lãi  gộp dao động cũng chỉ giao động quanh mức 6%. Tuy vậy nếu kịch bản này xảy ra, chúng tôi cho rằng nó cũng sẽ mang lại uy tín khá lớn cũng như mở rộng thị phần của DGW.

Định giá:

Với mức EPS dựa trên kế hoạch kinh doanh khả thi là 4.697đồng/cp và mức P/E bình quân 5 năm gần nhất là 11 lần, mức P/E bình quân toàn ngành là 9 lần. Mức giá sổ sách DGW ở mức 21.132 đồng/cp tương ứng với mức P/B hiện tại 1,6 lần so với mức P/B bình quân 5 năm gần nhất là 1,5 lần và bình quân toàn ngành là hơn 2 lần. Chúng tôi cho rằng, mức giá hợp lý của DGW rơi vào khoãng 31.698- 36.985 đồng/cổ phiếu.

DGW có thể thấy không còn thực sự quá rẻ trên mức định giá thận trọng của chúng tôi, tuy nhiên dưới góc độ của nhà đầu tư tăng trưởng DGW sẽ khá hấp dẫn khi là một case cổ phiếu tăng trưởng hiếm hoi có được trong bối cảnh thị trường hiện tại: 1. tiềm năng tăng trưởng  vẫn còn khá lớn trong khi 2. mảng kinh doanh hiện tại đang được duy trì đà tăng trưởng tốt. 3. Các chỉ số kinh doanh thể hiện một xu hướng tích cực trong khi đó các chỉ số an toàn vốn vẫn giữ ở mức ổn định và an toàn, thậm chí, thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của ngành. Với sự hào phóng nhất định, nhà đầu tư có hơi hướm mạo hiểm một chút có thể kỳ vọng ở mức P/E 11 lần tương ứng 52.000 đồng/cp cho năm 2020.

Trong trường hợp này chúng tôi xin phép đưa ra khuyến nghị: MUA + NẮM giữ, kèm theo lời khuyên phân bổ tỉ trọng vào cân đối nguồn vốn hợp lý và theo dõi sát những yếu tố rủi ro như đã đề cập ở trên.

Thứ Năm, 11 tháng 6, 2020

Những kỳ vọng lạc quan về sự phục hồi của kinh tế toàn cầu đang bị phủ nhận - Thận trọng luôn là điều cần thiết

Trong lần nhận định thị trường gần nhất, broker đã tỏ ra khá thận trọng khi VNINDEX đang giao dịch quanh vùng 790-830. Phải thừa nhận rằng quan điểm thận trọng trên cũng thể hiện phần nào vị thế của những nhà đầu tư ngại rủi ro. Những nhà đầu tư trên có lẽ cũng đã chịu tương đối nhiều áp lực khi 1. Bối cảnh tiền rẻ trong khi các chính sách nới lỏng tiền tệ được các định chế tài chính lớn thúc đẩy2. Tâm lý hưng phấn cùng dòng tiền đầu cơ thúc đẩy chỉ số và cổ phiếu hướng lên một mặt bằng giá cao hơn, phá vỡ các nguyên tắc định giá cơ bản thông thường. (Dòng tiền từ các quỹ đầu cơ ngắn hạn P-notes, các quỹ mô phỏng chỉ số v.v. thường mang tính chất ngắn hạn và khá linh hoạt).

Yếu tố trên đưa nhà đầu tư thận trọng vào tình cảnh: hoặc chấp nhận “mua cao để bán cao hơn” hoặc “đứng ngoài quan sát và chấp nhận đứng ngoài quan sát và bỏ lỡ một số cơ hội để duy trì tính chủ động cho danh mục”. Tương tự hai case cổ phiếu gần nhất mà broker khuyến nghị là HPG (chốt ở 22.200) và KDC (chốt ở 28.000), broker đã tuân thủ hạ tỉ trọng khi đạt đủ kỳ vọng và cân bằng dù sau đó cổ phiếu vẫn hướng lên một mặt bằng giá mới cao hơn.

Đối với các diễn biến của thị trường thế giới, broker đang cho rằng, những chuyển biến gần đây đang thể hiện phần nào những lo ngại của broker khi có xu hướng phủ nhận những kỳ vọng mà hầu hết những nhà đầu tư đang kỳ vọng bao gồm: 1. Nền kinh tế sẽ nhanh chóng hồi phục sau đại dịch2. Các chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ phát huy hiệu quả và có thể được duy trì và kéo dài “thời đại tiền rẻ” mà trong đó có thể kể đến một số kết quả mà FED đi đến sau khi nhóm họp hai ngày qua, điều đã khiến những diễn biến trái chiều xảy ra trên thị trường chứng khoán và vàng ngay sau đó:

a) FED giữ nguyên lãi suất đến 2022, dự báo GDP Mỹ năm nay tiếp tục được dự báo ở mức giảm ở mức 6,5%.

b) Tỷ lệ thất nghiệp cuối năm nay được dự báo là 9,3% cao hơn 2% so với năm 2019.

c) Tỷ lệ lạm phát thấp, chỉ là 0,8% so với mục tiêu của ngân hàng trung ương Mỹ và phải đến cuối 2022 mới có thể đạt 1,7%.

d) FED tiếp tục mua khoảng 80 tỷ USD trái phiếu và 40 tỷ USD chứng khoán thế chấp mỗi tháng.

Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, phiên 11/06 có thể gọi là phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ khi đáy VNINDEX được tạo lập từ cuối tháng 03/2020. Broker nghiêng về khả năng thị trường đã hoàn thành “sóng hồi” trên cơ sở phân tích kỹ thuật và rủi ro của việc “phân phối đỉnh” sẽ càng rõ ràng hơn khi kênh giá vi phạm vùng giá 865-870. Trong kịch bản này, việc thị trường phân phối có thể khiến nhà đầu tư đánh mất thành quả trong hai tháng vừa qua và do đó sự cẩn trọng là luôn cần thiết.

Với nhà đầu tư mà đặc biệt là nhà đầu tư có chi phí vốn lớn (sử dụng margin, đòn bẩy) đây là giai đoạn hết sức nhạy cảm và việc hạ tỉ trọng là cần thiết để đảm bảo an toàn vốn. Tuy nhiên cẩn trọng không đồng nghĩa với bi quan thái quá, nhà đầu tư có thể chọn điểm bán ở những phiên sau khi thị trường xuất hiện những nhịp hồi để bán ra và giữ tiền mặt. Tránh tâm lý hoảng loạn và bán tháo, và ưu tiên bán những cổ phiếu mang tính chất thị trường và đầu cơ.

Đối với nhà đầu tư đứng ngoài thị trường trong giai đoạn vừa qua, tiếp tục duy trì tỉ lệ tiền mặt cao và chờ đợi điểm mua thích hợp. Tránh việc mua vào hoặc gia tăng tỉ trọng quá sớm để không phải đối diện những áp lực không cần thiết.

Sự thận trọng đôi khi có thể bị coi như là bi quan. Tuy nhiên cũng sẽ không quá khó để nhận ra tính khác biệt của nó nhất là khi "nước xuống". Lúc đó, sự bi quan sẽ đến sau khi sự hoảng loạn trôi qua và mất mát ập tới.