Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2025

Cập nhật kết quả kinh doanh DGW 2024 và kế hoạch năm 2025

Đối với kế hoạch năm 2025, DGW dự kiến doanh thu đạt 25,450 tỷ đồng, tăng trưởng 15% và LNST đạt 523 tỷ đồng, đạt tăng trưởng 18% so với cùng kỳ. Nhận xét về kế hoạch này, chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp có sự thận trọng nhất định do năm 2024 quá trình hồi phục doanh thu không quá cao như doanh nghiệp kỳ vọng do cầu tiêu thụ thấp.

Các ngành hàng máy tính xách tay và máy tính bảng, dự kiến tăng trưởng doanh thu 9%
Các ngành hàng điện thoại di động, doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng 12% so với cùng kỳ.
Mảng thiết bị văn phòng tăng trưởng 25% so với cùng kỳ.
Thiết bị gia dụng đặt mục tiêu tăng trưởng 35% so với cùng kỳ.
Hàng tiêu dùng, dự kiến tăng trưởng 25% so với cùng kỳ.

Trong QI/2025, doanh nghiệp dự kiến tăng trưởng 12% về doanh thu và 12% về lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ. Tuy vậy, có sự sụt giảm so với QIV/2024. Mức hồi phục này kém hơn kỳ vọng của chúng tôi thể hiện sự hồi phục chậm chạp của ngành bán lẻ. Không xấu, nhưng cũng chưa có quá nhiều đột biến. Do đó chúng tôi hạ mức EPS mục tiêu về 2,350 đồng cho dự phóng năm 2025 và P/E mục tiêu từ 17.8 lần, chiết khấu 15% so với trung vị ngành để thể hiện quan điểm thận trọng. Duy trì tích lũy dưới 41,740 đồng/cổ phiếu trong khi quan sát các tín hiệu hồi phục trên BCTC ở những quý tiếp theo. 

 



Thứ Tư, 19 tháng 2, 2025

Điểm số quay lại, định giá đã rẻ hơn!

Index vượt 1 lần độ lệch chuẩn tính theo bình quân 52 tuần gần nhất, ghi chú thể hiện mức P/E tại thời điểm: 

Image

Chúng ta sẽ nhắc lại một chút về thống kê trong phân tích kỹ thuật. Về mặt kỹ thuật, điều này mang ý nghĩa gì? Chúng ta nhớ rằng có khoảng 68% số giá trị nằm trong khoảng 1 độ lệch chuẩn so với trị trung bình của hàm phân phối xác suất. Tức là một bộ phận nhỏ nhà đầu tư đang chấp nhận mua theo thị-giá đang chấp nhận mua một cái giá cao hơn so với mức bình thường.

Nhưng đó là về thị giá, còn về định giá thì sao? Thực tế, chúng ta nhìn lại năm 2023, kể từ khi Index tạo đáy chính thức ở mức P/E ~10 lần, con số mà có lẽ trong nhiều năm tới chúng ta sẽ khó có thể thấy lại. Thực tế, các nhịp chỉnh của thị trường đầu có xu hướng hồi phục khi về vùng định giá P/E dưới 13 lần.

Ngược lại quá trình hồi phục của Index kết thúc ở mức P/E 14.5-14.8 lần. Khi P/E của Index vượt 14 lần, chúng ta bắt đầu thấy có những sự phân hóa nhất định và rủi ro gia tăng do lợi nhuận đã không theo kịp kỳ vọng của nhà đầu tư. Rất nhiều nhà đầu tư theo đuổi chỉ số với kỳ vọng "vượt 1300" - từ khóa phổ biến của năm 2024, đã phải đối mặt với những rủi ro nhất định khi bỏ rơi định giá của thị trường.

Nhưng ở lần này, khi Index một lần nữa kỳ vọng vượt 1,300 liệu có đổi khác? Chúng tôi tin là có! Khác với những lần trước đây, khi BCKQ KD toàn thị trường tích cực giúp Index được định giá rẻ hơn chỉ chưa tới 13.0 lần, chiết khấu ~11% kể từ vùng định giá cao nhất một năm trở lại đây. Đây là mức giá tương đối hời, đó là chưa kể, trong kịch bản tích cực hơn, chúng ta có thể kỳ vọng mức trung vị 05 năm gần đây là từ 14.9 lần. Một kỳ vọng thận trọng cho Index tiệm cận 1400 và lạc quan hơn, những là 1500 là khả thi

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2025

Khả năng mang lại hòa bình cho Ukraine từ Trump là rất thấp

 Tác giả: Le Quang - Nguồn: Link
 
Nhiều người kỳ vọng vào khả năng giải quyết xung đột Ukraine của Trump nhưng quên đi rằng Donald Trump là chính trị gia của hiệu ứng ngắn hạn, theo đúng bản chất của thời đại truyền thông nhanh và chính trị giật gân. Các quyết sách của ông tạo ra cơn sốt truyền thông, như một dòng Tweet hay một video TikTok, nhưng thiếu tính bền vững và hiếm khi để lại nền tảng lâu dài. Nhìn vào 3 khủng hoảng - xung đột mà Trump tiếp cận, từ đó ta phần nào hình dung ra tương lai của khủng hoảng Nga - Ukraine sắp tới.
 
1. Triều Tiên: Kịch tính (và vô nghĩa)
Sự kiện này quả thực rất có tính “Trump”. Trump đã tạo ra một “khoảnh khắc lịch sử” khi gặp Kim Jong-un tại khu phi quân sự DMZ và tiếp sau là hội nghị tại Singapore (2018) và Hà Nội (2019). Nhưng sau những cái bắt tay, sau những tuyên bố táo bạo chưa từng thấy thì không có thỏa thuận phi hạt nhân nào cả, Triều Tiên vẫn phát triển vũ khí hạt nhân, còn Mỹ lại tạm dừng tập trận với Hàn Quốc – một nhượng bộ ít giá trị, làm suy yếu đồng minh mà chẳng đổi lại điều gì. Về mặt tuyên truyền, thậm chí ngay cả Hà Nội, xứ sở của niềm vui khoảnh khắc - cũng đã lãng quên sự kiện này. Rất ít người VN còn nhớ rằng Hà Nội đã ngấp nghé trước việc là nơi diễn ra hoà đàm quan trọng nhất của thế kỷ.

2. Iran: Rút lui (đầy hỗn loạn)
Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) năm 2018 mà không có kế hoạch thay thế để kiểm soát chương trình hạt nhân của Iran, khiến Tehran đẩy mạnh làm giàu uranium, bất chấp các lệnh trừng phạt. Hệ quả là an ninh khu vực trở nên căng thẳng hơn, trong khi quan hệ của Mỹ với các đồng minh Anh, Pháp, Đức bị suy yếu. Tình huống này cho thấy đường lối của ông không mang lại điều gì ngoài hỗn loạn, dù nhiều người coi việc đẩy mọi thứ vào một mớ hỗn độn là một loại tài năng. Có một cách giải quyết xung đột như vậy, đẩy mọi khả năng cả tốt lẫn xấu đến bờ vực nhằm tạo sức ép cho thoả thuận nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro về sự cân bằng của thực tại mới. 

3. Israel - Palestine: Một thỏa thuận (châm ngòi cho thảm kịch)
Thỏa thuận Hòa bình Abraham của Trump giúp Israel bình thường hóa quan hệ với các nước Ả Rập nhưng lại bỏ rơi Palestine, khiến xung đột không được giải quyết - dù đây mới là gốc rễ của vấn đề. Hệ quả là bạo lực leo thang, dẫn đến đỉnh điểm là cuộc chiến Israel - Hamas cuối năm 2023 mà cho tới nay đã khiến mấy chục nghìn người phải vong mạng, mấy triệu người mất nhà cửa. Việc gạt Palestine ra ngoài trong thoả thuận Abraham làm ta liên tưởng tới việc Mỹ thực hiện đàm phán riêng với Nga về chiến sự Ukraine mà không có EU tham gia vào tối qua. Mẫu số chung trong các tình huống tiếp cận giải quyết xung đột của Trump về cơ bản là: giàu kịch tính nhưng thiếu bền vững.

Ukraine: bắt đầu bằng một tuyên bố (không có thực)

Trump tuyên bố sẽ kết thúc chiến tranh Ukraine trong 24 giờ, nhưng ai cũng hiểu đó chỉ là lối nói cường điệu quen thuộc và là quá ngớ ngẩn cho bất kỳ ai từng nghĩ nó là thật. Sự tuỳ tiện của ông đã đạt tới mức mà công chúng không còn bận tâm tới việc kiểm chứng phát ngôn ấy? Hiện tại, ông phớt lờ đồng minh EU, đàm phán trực tiếp với Nga, đồng thời đề xuất Ukraine đổi khoáng sản lấy viện trợ chiến tranh và rút lính Mỹ khỏi Baltic.

Tất cả các quyết sách của Trump có ba đặc điểm chính: Làm suy yếu đồng minh ,không giải quyết tận gốc vấn đề, và hiếm khi để lại nền tảng đàm phán lâu dài.

Theo cá nhân tôi quan sát, dựa trên lịch sử chính trị của Trump, khả năng ông mang lại một nền hòa bình bền vững cho Ukraine là rất thấp.



Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2025

Một mặt bằng tỉ giá ổn định hơn

Nhiều người cho rằng, áp lực lên tỉ giá VND sẽ đến từ việc USD mạnh hơn. Thực tế, câu chuyện có thể ngược lại. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, đồng USD mất giá hơn 10% kể từ khi ông nhậm chức để duy trì cuộc thương chiến với Trung Quốc như một nỗ lực bảo toàn thặng dư thương mại vốn đã thâm hụt. Trong bối cảnh đó, đồng USD tiếp tục duy trì trong biên hẹp, không có biến động nào đáng kể. Sự giảm giá của USD giúp chính phủ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong suốt thời gian này. Với Mỹ, Trump là một người chịu ảnh hưởng bởi lý thuyết trọng cung, tức là luôn mong muốn đồng Dollar đủ rẻ.

Tỉ giá có leo thang? Chúng tôi cho rằng, khó có khả năng đó và cũng sẽ khó có khả năng tỉ giá sẽ giảm sâu. Một mặt bằng tỉ giá ổn định sẽ là xu hướng trong những năm kế tiếp.

 

Ảnh: Đồng USD có xu hướng tạo đỉnh ở độ lệch chuẩn từ 1 trở lên và quay lại xu hướng trung tâm.

 

Thứ Tư, 12 tháng 2, 2025

Cái giá của một nền kinh tế vì lợi ích thiểu số

Nếu xét một nền kinh tế hoạt động tốt, sẽ phải là một nền kinh tế mà lợi ích của nó sẽ thúc đẩy nâng cao mức sống cho hầu hết công dân của mình. Dấu hiệu của một nền kinh tế lệch lạc là tăng trưởng thấp, các khoản thu nhập đình trệ trong khi bất bình đẳng gia tăng. Theo Joseph E. Stiglitz -  giải Nobel Kinh tế năm 2001, bất bình đẳng thể hiện rõ ràng nhất ở việc "thiếu cơ hội" và dẫn đến kết quả cuối cùng là giảm hiệu suất lâu dài của nền kinh tế.  
 
USS Inequality, an OtherWords cartoon by Khalil Bendib

Hai trụ cột chính thích đẩy tăng trưởng Quốc gia hay cá nhân là: Tạo ra nhiều của cải hơn, Tước đoạt nhiều của cải hơn. Các nước tư bản từng chọn con đường thứ hai và tạo nên các đế chế thực dân trong những thế kỷ trước. Ở quy mô nội bộ của từng Quốc gia, nó là vấn nạn tham nhũng và bóc lột nhân công. Ngoài ra, trong những cách tạo ra của cải, con đường thừa kế có thể coi là một vận may lớn mà nếu bạn chẳng may có năng lực tạo ra của cải ở mức thấp thì cũng không sao, bạn đã có sẵn. Vậy vấn đề ở đây là gì? 

Thiếu cơ hội! Những người có khoản thừa kế tốt có nhiều cơ hội hơn. Điều này tồn tại lâu dài trong các xã hội tư bản và hướng các xã hội này đến chỗ đình trệ và khủng hoảng do sự lãng phí nguồn lực và đánh mất nguồn vốn xã hội quan trọng: tài năng và sức trẻ của công dân. Nhiều người sẽ cho rằng đó là một luận điểm đỗ lỗi cho xã hội nhưng thực tế càng ngày, thế hệ trẻ càng phụ thuộc nhiều hơn vào thu nhập và giáo dục của cha mẹ hơn. Chọn đúng cha mẹ, bạn thắng đời 1-0. Và 1-0 là một tỉ lệ chấp rất cao mà không phải ai cũng sẵn sàng nằm "kèo dưới". Vẫn sẽ có người từ đáy vươn lên đỉnh, nhưng đó là hiện tượng, những ngoại lệ chứ không phải là quy tắc phổ biến. Bằng chứng là báo chí và truyền thông luôn tập trung vào cá cá nhân này như thể đó là một mẫu số chung: Họ làm được, bạn cũng vậy! 

Tôi thấy nhiều người than phiền về thế hệ Gen Z, điều lặp lại ở những xã hội như Trung Quốc hay Hàn Quốc của hai thập kỷ về trước hay như xa hơn là hiện tượng Hippie của Mỹ thập niên 60. Một biểu hiện mang tính phản kháng với cấu trúc thị trường phục vụ thiểu số trên đỉnh. Tất cả dẫn đến tuyệt vọng gia tăng không ngừng ở các thế hệ kế tiếp trước khi bước vào kỷ nguyên của dân số già hóa. Điều này không thể trách thế hệ trẻ, thậm chí nó có một phần lỗi rất lớn từ các thế hệ đi trước: Người ta đã làm gì với ngành giáo dục? Nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ đã tạo ra những gì? Khả năng cạnh tranh của nền kinh tế khi giương cờ bước vào toàn cầu hóa? Nếu tôi nỗ lực, tôi cần phải thấy tương lai! Chúng ta đã không có tầm nhìn dài hạn để cho thế hệ trẻ thấy tương lai của họ. 

Chúng ta tiến vào thiên niên kỷ mới với nhiều hi vọng nhưng khi chạy theo thị trường chúng ta quên mất yếu tố "định hướng xã hội chủ nghĩa" và không có lấy một mảy may kinh nghiệm nào về sự đỗ vỡ của các xã hội tư bản trước đó cũng như ý thức một cách rõ ràng về cái gì tạo nên sự thành công của chủ nghỉa tư bản! Từ sau Covid-19, chúng ta cuối cùng cũng đi vào vết xe đổ: Tăng trưởng thấp hơn, bất bình đẳng nhiều hơn. 

Việt Nam chưa phải là một nước tiên tiến, nhưng nó đã có đầy đủ các yếu tố trên trước khi nó kịp giàu có về mặt của cải. Những ngày đầu năm, những lời kêu gọi hi sinh lạm phát để cứu tăng trưởng chỉ tập trung các vấn đề chính: Tín dụng ngân hàng và Thị trường Bất Động Sản. Phần tăng trưởng mà chỉ có thiểu số hưởng lợi. Hi sinh người nghèo để cứu lấy phần đỉnh của kim tự tháp. Trên chiếc tàu sắp chìm, những chiếc thuyền cứu sinh chất đầy những hành khách của khoang thương gia và bỏ mặc phần còn lại.
 
 

Thứ Hai, 3 tháng 2, 2025

Năm 2025 - Bĩ khứ Thái lai chung khả đãi

Năm 2025 Ất Tỵ là mệnh gìì? Hợp với màu gì?

Ngày giao dịch đầu tiên của năm mới, có đôi dòng nhìn về năm cũ và hướng về tương lai.

Năm 2024, đã không phải là một năm hóa rồng khi quá trình “vượt vũ môn” có thể nói là tương đối khó khăn khi bên cạnh những khoản đầu tư thành công thì chúng tôi vẫn ghi nhận những khoản đầu tư chưa sinh lời như kỳ vọng. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan như hạn chế về tầm nhìn và năng lực. Tuy vậy, dù vẫn còn đọng lại những kỳ vọng chưa được thỏa mãn, những mục tiêu chưa đạt được thì năm mới vẫn là một năm đáng mong chờ vì những cổ phiếu chúng tôi theo đuổi là những cổ phiếu có cơ bản lành mạnh và chỉ cần thêm thời gian, chúng ta có thể đạt được những kết quả nhất định. Trong nguy có cơ, 09 tháng cuối năm 2024 có thể coi là thời gian giao dịch với thanh khoản ảm đạm và làm nãn lòng nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư ưa thích lướt sóng nhưng đồng thời cũng mở ra rất nhiều cơ hội tích lũy cổ phiếu bluechip với giá rẻ hơn để chúng ta có thể tích lũy cho chu kỳ mới. Nửa đầu năm 2025, có thể sẽ vẫn tiếp diễn như trên nhưng chúng ta sẽ có thể đón nhận những thành quả tích cực hơn ở nửa sau của năm 2025.

Vĩ mô toàn cầu, năm 2024 và đầu năm 2025 chứng kiến thay đổi khá lớn là sự đắc cử của Trump tại Mỹ. Theo quan điểm của chúng tôi, Trump là một tổng thống theo đuổi chính sách kinh tế trọng cung: có xu hướng mở rộng tài khóa, thúc đẩy kinh tế trong nước, bảo hộ thương mạị v.v. Điều này nhiều khả năng sẽ thúc đẩy lạm phát đi kèm với tang trưởng kinh tế, đồng thời cũng khiến FED có thể sẽ giảm tốc độ hạ lãi suất. Nhìn chung, chúng tôi cho rằng, sức mạnh của USD sẽ giảm đáng kể khi các chính sách của Trump thẩm thấu vào nền kinh tế. Quan điểm của chúng tôi hoàn toàn trái ngược với nhiều bên khi cho rằng đồng USD sẽ duy trì sức mạnh khi FED chậm cắt giảm lãi suất. Một đồng USD được neo cao sẽ không có lợi cho chính sách của Trump. Tất nhiên, chúng ta sẽ có thời gian quan sát yếu tố trên cũng như hành động của những nhà lãnh đạo trong nước mới lên điều hành và thích ứng với hoàn cảnh thực tế. Ở khía cạnh vĩ mô quốc tế, chúng tôi nhìn nhận cơ hội và rủi ro ngang nhau.

Trong nước, các yếu tố vĩ mô năm 2024 chúng tôi nhìn nhận chưa có nhiều đột quá. Về chính sách tài khóa, Việt Nam thu vượt dự toán trong khi chi ngân sách không có nhiều đột biến, giải ngân đầu tư công chậm. Một lượng tiền lớn không được giải ngân vào nền kinh tế khiến quá trình phục hồi tỏ ra chậm chạm. Năm 2025, chúng tôi kỳ vọng các yếu tố này sẽ được cải thiện khi giải ngân đầu tư công được thúc đẩy và áp lực từ đồng USD giảm bớt. Về lãi suất, chính phủ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ và kiểm soát lạm phát trong biên độ cho phép. Sang 2025, nhiều khả năng yếu tố thuận lợi đối với tỷ giá và lãi suất sẽ được duy trì. FED có thể tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng dù có thể chậm như đã đề cập ở trên. Thặng dư thương mại và dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn cho phép chính phủ duy trì tỉ giá và lãi suất cân bằng. Thương mại là điểm sáng trong năm 2024 khi Việt Nam tiếp tục tăng trưởng sau khi đại dịch Covid trôi qua và có thể duy trì trong năm 2025. Năm 2025, Việt Nam vẫn có thể được hưởng lợi nhờ xu hướng chuyển dịch hang hóa từ Trung Quốc để tiếp cận các thị trường châu Âu và Mỹ khi Trump có thể theo đuổi chính sách bảo hộ.

Về thị trường chứng khoán, các yếu tố hỗ trợ thị trường ở năm 2024 tiếp tục được duy trì sang năm 2025 như: I. Chính sách thúc đẩy kinh tế của chính phủ tiếp tục duy trì II. Chính sách tiền tệ nới lỏng III. Hành lang pháp lý tháo gỡ khó khăn cho các định chế tài chính tiếp tục được hoàn thiện. Điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường khi nền lợi nhuận của các doanh nghiệp đã cải thiện sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2025. Ở mức định giá P/E 13.x lần, thị trường liên tục tạo đáy trong năm 2025. Đây cũng là vùng giá thị trường đang giao dịch hiện tại mà chúng tôi cho rằng đủ hấp dẫn trong dài hạn. Nhà đầu tư hoàn toàn có thể tận dụng mua tích lũy khi thanh khoản nhỏ giọt, hoạt động đầu cơ thiếu vắng do tâm lý chán nãn và các yếu tố tăng trưởng chưa được thể hiện đầy đủ.

Năm 2025, theo quan điểm của chúng tôi, là một năm tương đối lạc quan khi nửa đầu năm có thể khó khăn nhưng càng về cuối năm sẽ càng tích cực. Chúng tôi có cùng quan điểm với nhiều bên khi cho rằng năm 2025 là một năm "Tiền hung hậu cát", "Bĩ cực, thái lai" và luôn nhắc nhở bản thân luôn vững tâm ngay cả trong lúc khó khăn. Đón nhận những cơn sóng dữ với một tâm thế vững vàng và luôn tin về những điều tốt đẹp chờ đợi đằng sau đó.

Cảm ơn quý nhà đầu tư, đối tác, bạn bè và đồng nghiệp đã đồng hành cùng chúng tôi trong những năm vừa qua. Chúc mọi người một năm mới có đủ "Nhân", "Tri", "Dũng", "仁者不忧,知者不惑,勇者不惧" - Tri giả bất hoặc; nhân giả bất ưu; dũng giả bất cụ. Có lòng nhân thì không phải đắn đo hay áy náy. Có tri thức thì không lo sai đường lạc lối. Có dũng thì đối mặt với khó khăn thử thách vững vàng, kiên định.

Chúc mừng năm mới!

Nhận định bởi Phạm Đình Khoa 

Chuyên viên chăm sóc khách hàng cá nhân cao cấp MBS - CN.HCM