Huyền thoại về hang động.
Trong hơn mười năm lăn lộn trên
thị trường, tôi vẫn thường thấy những tuyên ngôn kiểu như: “tất cả được phản ánh
vào giá” của những nhà phân tích kỹ thuật và với tuyên ngôn đó, họ chỉ quan tâm
về giá “Price” và bỏ rơi giá trị “Value” của doanh nghiệp, thứ đảm bảo cho lợi
nhuận lâu dài trong quá trình đầu tư.
Hẳn nhiều người còn nhớ ngụ ngôn về hang động của Plato, một hình ảnh trực quan về quan hệ giữa biểu hiện và bản chất của thế giới. Mở đầu Cộng Hòa, Plato nói về những người bị giam cầm trong hang, tay chân bị trói chặt, xung quanh tối tăm và không còn gì khác liên hệ với thế giới bên ngoài, thứ duy nhất mà họ có thể thấy là những chiếc bóng mọi vật phản chiếu lên tường bởi ánh sáng của ngọn lửa sau lưng họ. Họ bị thu hút bởi những chiếc bóng của động vật, thực vật và con người. Hơn thế nữa, họ cho rằng những cái bóng là có thật, và chỉ cần dành nhiều sự chú ý vào chúng, bạn sẽ trở nên hiểu biết và thành công trong cuộc sống. Và tất nhiên, họ không nhận ra, thật ra cái mà họ nhìn thấy chỉ là những cái bóng. Họ trò chuyện về những cái bóng một cách nhiệt tình và lấy làm tự hào vì trí tuệ và sự tinh tế của mình.
Các nhà phân tích kỹ thuật trong đầu tư chứng khoán cũng vậy, chỉ quan sát và nói về giá thôi là chưa đủ. Chiếc bóng của một con gà có thể nói lên nhiều điều nhưng không có khả năng thay thế con gà. Tôi vẫn thấy nhiều nhà đầu tư xem biểu đồ kỹ thuật “chart” hằng ngày, hồ hởi và tự hào về khả năng và trí tuệ của mình nhưng đều có chung một đặc điểm: sa và thuyết âm mưu và những câu chuyện kỳ dị không thể kiểm cho đến khi kinh nghiệm phản bội họ, họ nhanh chóng bị tê liệt, hậu quả của một quá trình tự trói tay chân và quay mặt vào tường. Một nhà phân tích kỹ thuật xuất sắc sẽ nói với chúng ta rằng: đó chính xác là cái bóng của con gà thay vì kết luận đó là con gà. Nếu không làm được điều đó, con gà rất có thể là nhà phân tích.
Vậy phân tích kỹ thuật có hữu ích không? Có, nhưng không phải là công cụ đầy đủ! Và nhà đầu tư thành thạo phân tích kỹ thuật phải là nhà đầu tư nắm rõ những nhược điểm chí tử của Phân tích kỹ thuật. Đáng buồn thay, luôn bị bỏ qua và đơn giản hóa bởi các tiktoker, youtuber và các chuyên gia nửa vời. Họ thuyết phục chúng ta một cách mạnh mẽ rằng cây bút chì của họ rất mạnh, và họ có thể chiến đấu với nó trên thị trường như John Wick.
1. Mọi thứ đều phản ánh vào giá – cây kiếm trong trong tâm trí.
Điều đó chỉ đúng trong giả định của một thị trường hiệu quả “Efficient Market Hypothesis”, tức là chỉ đúng trong tâm trí của nhà đầu tư, nơi mà nhà đầu tư là một hiệp sỹ giết rồng với áo choàng là cái mền trên lưng, chiếc khiên là nắp nồi và kiếm là cây bút chì.
Chúng ta phải hiểu rằng, giả định thị trường hiệu quả là một giả định về lý thuyết và khi áp dụng vào thực tế cần phải có sự linh hoạt nhất định và chỉ đúng trong một vài trường hợp khu biệt không có tính khái quát. Nó bao hàm rất nhiều thứ như: thông tin vi mô của doanh nghiệp, vĩ mô của nền kinh tế, tâm lý nhà đầu tư, các sự kiện bất ngờ v.v. Và bạn chọn giá là bạn chọn phớt lờ luôn cả những thứ mà bạn giả định bao hàm trong giá. Một cái giá phi lý luôn có thể được chấp nhận trong một khoản thời gian dài trước khi người ta nhận ra rằng nó phi lý. Kẹo rau không có rau chẳng hạn!
Việc giá chứng khoán quả thực có xu hướng phản ánh nhanh chóng mọi thông tin có sẵn nhưng những thông tin không kịp thời và không có sẵn thì sao? Chẳng phải có một thứ gọi là bất bình đẳng thông tin luôn tồn tại? Đó còn chưa kể những thông tin sai, những thông tin nhiễu, sự chậm trễ, tâm lý bầy đàn và thông tin nội gián. Chúng ta phải hiểu rằng, giả định thị trường hiệu quả là một giả định lỏng lẽo và việc thiếu hiểu biết kiến thức đa ngành về vi mô, vĩ mô, tâm lý học và kiểm soát rủi ro sẽ dẫn nhà đầu tư đến bờ vực với cây bút chì trên tay.
2. Lịch sử sẽ lặp lại – Lịch sử không phải là một vòng tròn.
Mọi thứ dựa trên lịch sử hay nói cách khác, dựa trên kinh nghiệm đều có nguy cơ bị phản bội. Tôi thừa nhận rằng, mọi thứ có chu kỳ nhưng đó là chu kỳ của những mùa Xuân – Hạ - Thu – Đông, Sinh – Thành – Hoại – Diệt, chúng trở thành quy luật bất biến của tự nhiên nhưng bảo rằng mùa Xuân lặp lại mùa Xuân là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Không có mùa Xuân nào thực sự giống mùa Xuân nào. Và ngay cả khi ta cố tình đánh đồng sự lặp lại của các chu kỳ vĩ mô, chu kỳ vi mô, chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp v.v. chúng ta đều phải thừa nhận rằng, chu kỳ đó không lặp lại theo một cách thức y hệt.
Có những mùa đông đến, nhưng cái cây bạn trồng sống sót một cách dễ dàng dù quá khứ có những mùa đông suýt tý nữa là bạn phải chặt bỏ nó đi vì quá yếu ớt. Nhưng cũng có những mùa xuân trở lại mà bạn không còn thấy bông hoa của mùa xuân năm ngoái nở rộ, nó đã chết trong cái giá lạnh trước đó.
Mọi thứ xoay quay trung tâm nhưng sẽ mở rộng ra
Lịch sử sẽ lặp lại nhưng không phải là sự lặp lại vị trí của những cây kim trên đồng hồ, mà theo một hình trôn ốc mở rộng ra hoặc co hẹp lại, tùy thuộc vào việc bạn hiểu như thế nào về khoản đầu tư của bạn. Bỏ quên những thứ thuộc về bản chất của doanh nghiệp bạn sẽ chỉ di chuyển xung quanh gốc tọa độ số 0 tròn trĩnh và đợi ngày hủy diệt khi một sự kiện thiên nga đen ập tới đập vỡ tan thứ gọi là kinh nghiệm lịch sử. Hẳn chúng ta còn chưa quên những sự kiện như Covid hay Vạn Thịnh Phát gần đây, những sự kiện mà ở đó mọi hỗ trợ và kháng cự đều vô nghĩa. Chỉ có một thứ có ý nghĩa trong những hoàn cảnh như vậy: lý trí và khả năng kiểm soát rủi ro.
Một lần nữa, lịch sử không phải lúc nào cũng lặp lại và khi nó lặp lại nó không diễn ra theo cùng một cách, đừng bỏ rơi: vi mô, vĩ mô, tâm lý học và kiểm soát rủi ro.
3. Những lời tiên tri tự thành:
Bản thân Phân tích kỹ thuật cũng là một nhân tố khiến thị trường là không hoàn hảo. Tỉ trọng những nhà phân tích kỹ thuật tăng lên trong một thị trường có thanh khoản hạn chế sẽ khiến những hành động tác động lên cung cầu tương đối giống nhau cho đến khi kẻ thao túng thực sự xuất hiện và hủy hoại đám đông này. Cuối cùng lợi nhuận trở nên ít ỏi khi tất cả đều phi lý trí và đẩy nhau đến chỗ rủi ro nếu chúng ta một lần nữa bỏ rơi thứ đằng sau thị giá: vi mô, vĩ mô, tâm lý học và kiểm soát rủi ro.
Được cảnh báo rằng sẽ có ngày con trai sẽ giết ông ta, Laius đã bỏ mặc đứa con mới sinh Oedipus tới chết, nhưng Oedipus đã được tìm thấy và nhận nuôi mà không hay biết về nguồn gốc thực sự của mình. Khi Oedipus lớn lên, anh ta được cảnh báo rằng anh ta sẽ giết chết cha và kết hôn với mẹ mình. Tin rằng cha mẹ nuôi là cha mẹ đẻ, Oedipus rời nhà tới Hy Lạp, cuối cùng lại đặt chân đến thành phố mà bố mẹ đẻ anh ta sinh sống. Tại đó, Oedipus đã vướng vào cuộc gây gổ với một người lạ, cha đẻ của anh, rồi giết ông ta và cưới người goá phụ, mẹ đẻ của anh.
Tôi thấy rất nhiều nhà đầu tư tỏ ra tự mãn vì cuối cùng thì giá đã “đúng như em đã nhận định”, nhưng thực chất, đó là một lời tiên tri tự thành Self-fulfilling prophecy. Một số đông sử dụng cùng một công cụ giúp nhau thực hiện hóa lời tiên đoán trước đó một cách trực tiếp hay gián tiếp mà không có bất cứ một điểm tựa cơ bản nào. Chính họ trở thành những “đội lái” và cũng chính họ, cuối cùng trở thành nạn nhân của “đội lái” khi lần lượt từng người nhận ra rằng từ 10 người nhận định giống nhau thì nay chỉ còn 5 người và giảm xuống còn 3 người. Các phương pháp khác nhau rất nhiều, và các nhà phân tích kỹ thuật khác nhau bắt đầu dự đoán khác nhau trong cùng một tệp dữ liệu. Sự đồng thuận đã biến mất! Và cuối cùng nó trở thành cuộc chơi của những ai nhanh chân lẹ tay biến nỗ lực trước đó thành một hoạt động FOMO có rất ít biên phòng thủ.
Nhưng điều đó không có gì đáng sợ. Tôi vấn thấy những trader chuyên nghiệp kiếm được lợi nhuận tuyệt vời và đáng ngưỡng mộ trong cuộc chơi đó nhưng ở họ có một điểm chung: nhanh chân, lẹ tay, kiểm soát rủi ro cực kỳ tốt – điều mà hầu hết trong chúng ta không có nhiều người có được. Họ cũng là những nhà tiên tri cực kỳ chịu khó phủ nhận bản thân và thừa nhận những sai lầm nhanh chóng, không sa đà vào cuộc chơi cảm xúc. Họ hiểu rõ một cách sâu sắc rằng những thầy bói nói đúng rất nhiều nhưng những lời tiên tri chìm vào quên lãng cũng nhiều tương đương. Nếu bạn là một nhà giao dịch ngắn hạn, khi cuộc chơi là cuộc chơi của xác suất vĩ mô và vi mô không còn quan trọng, trong canh bạc đó bạn phải là một nhà quản trị rủi ro tuyệt vời! Họ không né tránh hay phủ nhận những lời tiên tri không tự ứng nghiệm và kiếm soát nó.
4. Cây bút chì không có ngòi:
Quay trở lại biểu hiện về giá của doanh nghiệp. Hai đại lượng cơ bản của phân tích kỹ thuật là giá và thời gian. Về giá, nếu chúng ta chỉ quan tâm về giá mà bỏ rơi giá trị “value” sẽ là một sai lầm nhưng đã đề cập. Tôi từng thấy một tiktoker nhận định một công ty bảo hiểm tăng trưởng bền vững trong 15 năm liên tục, cổ tức luôn ổn định, tài chính lành mạnh, quản trị tuyệt vời và chiếm thị phần đáng kể trong một thị trường ngách còn đang tăng trưởng là “penny”. Anh ta chỉ nhìn mỗi biểu đồ kỹ thuật và cho rằng đây là một cổ phiếu không đáng đầu tư vì thanh khoản thấp và “công ty lạ, không biết là công ty gì”. Ấy vậy mà lượng follow của anh này vẫn cực kỳ cao và lượt comment xin tư vấn vẫn rất đáng ghen tỵ. Phân tích kỹ thuật rất trực quan, dễ thấy, dễ tiếp cận nhưng cũng đã không thấy được những thứ đáng giá. Cổ phiếu này có gì để đầu tư? Chart đẹp!
Nhưng như thế nào là đẹp?
Tôi cũng thấy nhiều đồng nghiệp, những giám đốc tài chính, những nhà đầu tư chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp, các thầy dạy, tiktoker, youtuber v.v. nhưng người tôn thờ phân tích kỹ thuật đã xúc phạm phân tích kỹ thuật một cách không thương tiếc.
Thị giá sẽ kể cho bạn một câu chuyện về giá trị “value”, nhưng đó là một cây chuyện không đầy đủ. Tệ hơn, nhiều nhà phân tích lại còn bóp méo cả câu chuyện đó. Sự bóp méo đó đến từ sự hời hợt và thiếu hiểu biết cơ bản và dẫn đến những sai lầm trong thống kê.
Chúng ta hãy lưu ý rằng, những công cụ trong phân tích kỹ thuật hầu hết là các phép tính thống kê: bình quân, trung vị, độ lệch chuẩn, cường độ v.v. chủ yếu liên quan đến hai đại lượng chính là giá và thời gian. Việc lựa chọn các khung thời gian thống kê cực kỳ quan trọng và nhà phân tích phải biết mình đang tìm kiếm điều gì ngay từ đầu. Điều này đòi hỏi nhà đầu tư phải biết được cách tính toán và xây dựng chỉ báo trước khi áp dụng.
Thực tế, tôi nhận thấy nhiều nhà phân tích kỹ thuật làm ngược lại, họ bổ sung một loạt chỉ báo lên biểu đồ giá và thời gian sau đó thực hiện trading một cách mù quáng và thiếu sự phản tư. Sẽ có những lời tiên tri tự thành, nhưng khi họ sai, họ không biết mình sai ở đâu.
Một lần, tôi nhìn thấy một chuyên gia phân tích kỹ thuật vẽ mây Ichimoku và bắt đầu vẽ nên những kịch bản về giá, đắm đuối với những gì mình kỳ vọng. Nhưng khi tôi đặt câu hỏi, liệu chuyên gia này hiểu thế nào về các con số 9, 26, 52 trong các đầu vào của Ichimoku trước khi bắt đầu vẽ nên những kịch bản trên khung đồ thị nến ngày? Rõ ràng những con số kia thể hiện những khung thời gian rất cụ thể: 52 tuần của một năm, 26 tuần của sáu tháng và ~9 tuần là bình quân của một quý. Vậy trên đồ thị nến ngày, Ichimoku gần như vô nghĩa. Và trong ngắn hạn, những diễn biến vô tình đó chính là những lời tiên tri tự thành có xác suất ngang trò chơi chẵn lẽ. Thực tế có rất nhiều chuyên gia như vậy, không biết trung bình, trung vị, phương sai, độ lệch, mật độ hay ý nghĩa của hàm phân phối chuẩn và các tỉ lệ k trong cách xây dựng mô hình hồi quy hay dãy bollingerband v.v. Do đó, hãy hiểu rõ công cụ của bạn sử dụng, bạn chỉ có một cây bút chì, đừng bẻ ngòi của nó. Ở đây, tôi cũng hạn chế nói về những mẫu hình dạng hình học trong các biểu đồ giá lịch sử vì thậm chí tính chủ quan của chúng còn cao hơn cả các phép toán thống kê, các dạng hình học này thường chỉ tồn tại trong mắt khan giả và mắc phải là thiên vị dữ liệu quá khứ.
Sự vô nghĩ của đám mây Ichimoku trên khung đồ thị ngày!
Cuối cùng, đừng để Phân tích kỹ thuật trở thành công cụ duy nhất của bạn, bạn cần rất nhiều vũ khí khi dấn thân vào thị trường đầy khắc nghiệt mà vũ khí mạnh mẽ nhất mà một nhà đầu tư cần có là lý trí, khả năng phản tư, sự tự học lâu dài và am hiểu đa lĩnh vực cũng như quản trị rủi ro chặt chẽ.